KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 16/09/2019 - Lượt xem: 218
Hội thảo khoa học “Danh nhân triệu Việt Vương và văn cứ Dạ Trạch”

Sáng 11/9/2019, tại huyện Khoái Châu, UBND tỉnh phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức hội thảo khoa học "Danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch". Dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn,  Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Học viện Quốc phòng, Ban liên lạc Tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp Quân đội, Công an quê Hưng Yên; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; đại biểu đại diện các sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố có di sản liên quan đến danh nhân Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn,  Bí thư Đảng uỷ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân.

           Các đại biểu dự Hội thảo

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương là một trong những trang sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Lương của Triệu Việt Vương có ý nghĩa lịch sử to lớn, giúp Nhà nước Vạn Xuân non trẻ do Lý Nam Đế sáng lập vượt qua được những biến cố lịch sử to lớn, tiếp tục củng cố, giữ vững được nền độc lập, tự chủ, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong các thế kỷ sau đó. Với nguồn tư liệu mới, những bài nghiên cứu của các nhà khoa học, những tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà quản lý sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học, sâu sắc và toàn diện, làm rõ thêm nhiều vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Triệu Việt Vương. Qua đó, khẳng định tài năng, nghệ thuật quân sự, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương do danh nhân Triệu Việt Vương lãnh đạo trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử tỉnh Hưng Yên nói riêng, đồng thời hệ thống hóa các nguồn tư liệu có liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương. Đây chính là những căn cứ khoa học trong việc hoạch định những phương án có tính khả thi cao nhằm phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau về sự cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chào mừng tạo Hội thảo.

Trình bày đề dẫn hội thảo, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Vào thế kỷ thứ 6, vùng đất Hưng Yên gắn liền với tên tuổi của Danh nhân Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) - người huyện Chu Diên thuộc vùng đất Khoái Châu ngày nay. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh giặc giữ nước, có thân phụ là Danh tướng Triệu Túc. Vốn giỏi võ nghệ, Triệu Quang Phục đã cùng cha theo Lý Bí (Lý Nam Đế) khởi nghĩa, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương, lập nên Nhà nước Vạn Xuân (năm 544). Với công lao đó, Triệu Quang Phục được Lý Nam Đế ban chức Tả tướng quân. Khi quân Lương trở lại xâm lược, cuối năm 546, tại động Khuất Lão, Triệu Quang Phục được vua Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến. Triệu Quang Phục đã chọn Dạ Trạch làm căn cứ. Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng vương tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương giai đoạn 547-550, Triệu Việt Vương là người lãnh đạo, có vai trò quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Hội thảo lần này, Ban tổ chức đã nhận được 26 báo cáo tham luận, trong đó có 9 ý kiến tham luận của các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… được trình bày tại hội thảo. Các ý kiến tham luận tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề: về thân thế, cuộc đời của danh nhân Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục); Triệu Việt Vương với căn cứ Dạ Trạch và quê hương Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc; phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Di tích căn cứ Dạ Trạch.

Phát biểu kết luận nội dung hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đánh giá cao sự đầu tư về thời gian, tâm huyết, trí tuệ của các tham luận tại hội thảo. Đồng thời khẳng định các ý kiến tham luận đã tập trung làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của danh nhân Triệu Việt Vương trong lịch sử dân tộc thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương, nhà Hậu Trần (Bá Tiên) (557 - 589) nói chung và lịch sử tỉnh Hưng Yên nói riêng; tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Lương dưới sự lãnh đạo của danh nhân Triệu Việt Vương giành lại và bảo vệ độc lập cho dân tộc, qua đó khẳng định tài năng, nghệ thuật quân sự của dân nhân Triệu Việt Vương. Hội thảo cũng đánh giá những giá trị lịch sử văn hoá của hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể về danh nhân Triệu Việt Vương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hảo Dương…; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp rất thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đền thờ, lễ hội có liên quan tới danh nhân Triệu Việt Vương trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tới, các đại biểu cần tiếp tục dành thời gian cho việc nghiên cứu, khảo cứu để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch như: Quê quán cụ thể của danh nhân Triệu Việt Vương; phạm vi địa giới của đầm Dạ Trạch...

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia dành tâm huyết nghiên cứu về danh nhân Triệu Quang Phục và tình cảm với tỉnh Hưng Yên, đã đóng góp các tham luận, các ý kiến phát biểu, thảo luận rất thiết thực, bổ ích góp phần quyết định vào thành công của hội thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng và các địa phương khác thống kê, hệ thống hóa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, thần tích, sắc phong… gắn với danh nhân Triệu Việt Vương; kết nối xây dựng các tour, tuyến du lịch phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh thăm quan, chiêm bái, tìm hiểu về danh nhân Triệu Việt Vương thông qua các di tích lịch sử văn hóa trong và ngoài tỉnh. Thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và địa phương tuyên truyền, giới thiệu đầy đủ, chính xác về danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh, nơi có di tích gắn với danh nhân Triệu Việt Vương xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích để xứng tầm với công lao của danh nhân; đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia đối với những di tích đủ điều kiện theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Phối hợp với UBND huyện Khoái Châu, tranh thủ ý kiến tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, tham khảo các lễ hội gắn với danh nhân Triệu Việt Vương ở các tỉnh, thành phố, hướng dẫn nhân dân địa phương khôi phục lại lễ hội truyền thống. Biên tập xuất bản cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch. Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh sưu tầm tài liệu, hiện vật, thư tịch cổ liên quan đến nhà nước Vạn Xuân, đến danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch để trưng bày, giới thiệu phục vụ nhân dân.

- UBND huyện Khoái Châu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đền thờ danh nhân Triệu Việt Vương tại xã Dạ Trạch; phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch của tỉnh về bảo tồn, tôn tạo khu di tích Đa Hòa – Dạ Trạch gắn với phát triển du lịch. Từng bước xây dựng hai di tích này và đền thờ danh nhân Triệu Việt Vương trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Chỉ đạo xã Dạ Trạch xây dựng phòng truyền thống giới thiệu về cuộc kháng chiến chống giặc Lương do Triệu Việt Vương lãnh đạo.

-  Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đưa học sinh các cấp của tỉnh thực hiện chương trình trải nghiệm hằng năm thông qua việc thăm quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, các nhà tưởng niệm, lưu niệm danh nhân, bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có các di tích gắn với danh nhân Triệu Việt Vương. Từng bước xây dựng và đưa vào giảng dạy môn lịch sử truyền thống của địa phương tại các cấp học, trong đó đặc biệt chú ý giới thiệu truyền thống văn hiến, cách mạng, các danh nhân, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh qua đó hun đúc truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hiến của tỉnh cho thế hệ trẻ.

Trước đó, sáng cùng ngày, Ban tổ chức đã tiến hành lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Danh nhân Triệu Quang Phục tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu.

Nguyễn Thanh Hằng

 

 

Tin liên quan